850m2 đất trồng luân canh 3 vụ màu/năm đã giúp đời sống của 4 nhân khẩu trong gia đình anh Bùi Thanh Quốc, 37 tuổi, ấp An Phú, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri sung túc hơn rất nhiều so với khoảng thời gian 2 năm về trước, lúc còn bám trụ với cây lúa.
Anh Bùi Thanh Quốc chăm sóc cây cà tím.
Những ngày sau Tết cổ truyền, hai bên con đường từ thị trấn Ba Tri về khu vực 4 Mỹ (Mỹ Nhơn, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh) là những thửa ruộng vàng óng đang vào vụ thu hoạch rộ. Miếng đất trồng khổ qua xanh mơn mởn của anh Quốc nằm xen các ruộng lúa đã gây sự chú ý cho rất nhiều người. “Hơn 2 tháng qua, ngày nào tôi cũng hái trái cả trăm ký giao cho bạn hàng ngoài chợ thị trấn. Lúc đó, trái to, dài và chằng chịt thiếu điều không thấy lá luôn. Nay tuy lá vẫn còn xum xuê, mỗi ngày thu hoạch cũng được hơn 20kg nhưng phải nhổ bỏ cho đám cà tím phất lên nhanh hơn” - anh Quốc chia sẻ.
Theo anh Quốc, giá trái khổ qua có lúc lên xuống nhưng trung bình cũng được khoảng 10 ngàn đồng/kg. Vụ khổ qua này, anh thu được hơn 3,5 tấn trái. Hơn hai năm qua, vụ Tết năm nào khổ qua, cà tím, dưa leo của anh trồng đều trúng và cho lợi nhuận tương đương nhau. “Tôi luôn chủ động thay đổi chủng loại canh tác như vậy để không bị rập đất. Những bìa chéo trong cánh đồng 5 công mà tôi thuê canh tác cũng luôn được tranh thủ trồng màu vào các tháng chờ xuống giống vụ Hè Thu muộn. Nếu chủ ruộng cho thuê dài hạn hơn nữa thì có lẽ tôi sẽ đầu tư chuyên cây màu” - anh Quốc cho biết thêm.
Nói về khoảng thời gian hơn hai năm về trước, khi gia đình quyết định chuyển từ đất lúa sang trồng màu, anh Quốc cho biết: “Vợ chồng ra riêng, gia đình chỉ chia cho hơn 1 công đất nhưng đã cất cái nhà, chuồng bò hơn 300m2 rồi. Tôi cũng trăn trở trong nhiều năm trời không biết làm gì để cuộc sống vợ con khá hơn. Có lần đi ngang qua xã Tân Thủy, tôi thấy bà con trồng màu khá hơn hẳn nên quyết định bán bò lấy 20 triệu đồng dùng để thổi đất ruộng nâng lên 0,7m trồng màu. Nói chung, với thu nhập hiện nay từ 3 vụ màu trên diện tích 850m2 đất của tôi hoàn toàn có thể so sánh với khoảng 5ha đất trồng lúa 2 vụ/năm xung quanh đây”.
Anh Bùi Thanh Quốc bên vườn khổ qua xanh tốt.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nằm cạnh mảnh đất trồng màu của gia đình anh Bùi Thanh Quốc, đã có một số bà con lên liếp trồng rau má, cà tím, rau muống… “Việc chuyển đổi từ lúa sang cây màu của anh Quốc đã giúp gia đình có cuộc sống sung túc hơn trước. Tôi cũng đã chuyển được 1,2 công lúa sang trồng màu được hơn năm qua và thấy thu nhập đỡ hơn cây lúa rõ ràng” - anh Dũng, chủ ruộng gần nhà anh Quốc phấn khởi.
Ông Trần Văn Ửng - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình Tây cho biết, xã đã có chủ trương chuyển đổi sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang trồng màu của bà con nông dân trên địa bàn xã chưa nhiều. “Trên địa bàn xã hiện có hơn 6.500 con bò. Vì vậy, nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cỏ là chủ yếu. Hộ anh Bùi Thanh Quốc có thể đánh giá là thành công điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện đã có một số nông dân chuyển đổi sang cây màu tương tự như cách làm của anh ấy. Thời gian qua, chúng tôi đã vận động người dân chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác tại các diện tích đất gò. Tuy nhiên, do người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước trong kênh nội đồng để tưới, trong khi cây màu rất mẫn cảm với nước mặn. Mặt khác, nếu trồng màu sẽ phải đầu tư ban đầu lớn, công chăm sóc nhiều hơn nên ruộng màu cho thu nhập cao giống như hộ anh Quốc cũng chưa nhiều” - ông Ửng cho biết.
Nguồn: Báo Đồng Khởi