VSATTP là điều kiện tiên quyết. Ảnh: PY
Theo thống kê của ngành y tế, trong năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, với 54 người mắc, gồm: Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (14 người mắc do ăn bánh tráng khô bò tại căn-tin trường); ngộ độc sam biển ở xã An Bình Tây, Ba Tri (3 người); và 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ do nhiễm vi sinh: tiệc cưới gia đình ở xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre (16 người mắc) và nhà khách Bến Tre (21 người mắc).
So với năm 2011, số ca ngộ độc thực phẩm năm 2012 tăng cả về số vụ và số người mắc nhưng không có ca tử vong (2011 xảy ra 2 vụ/18 người mắc/1 tử vong). Còn trong quí 1-2013, toàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan và công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên là yếu tố thuận lợi, góp phần quan trọng trong hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); làm thay đổi hành vi của chủ cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm, bếp ăn tập thể. Năm 2012, ngành y tế đã kiểm tra 919 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng chỉ có 80,04% đạt chuẩn và 79,9% trong số 8.013 cơ sở kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được kiểm tra là đạt chuẩn theo quy định. Quí 1-2013, tỷ lệ này lại thấp hơn. 111/159 cơ sở chế biến thực phẩm được kiểm tra là đạt chuẩn (tỷ lệ 69,81%). Còn cơ sở kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể chỉ có 70,8% đạt chuẩn (2.560/3.616 cơ sở được kiểm tra). Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, các cơ sở không đạt chuẩn VSATTP phần lớn do chưa tổ chức khám sức khỏe đầy đủ cho công nhân, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức và cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát nhỏ lẻ chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ chưa đạt theo quy định…
Tự động hóa góp phần đảm bảo VSATTP tại một cơ sở sản xuất kẹo dừa. Ảnh: PY
Tập huấn và tuyên truyền để nâng cao kiến thức cho chủ cơ sở sản xuất và người tiêu dùng là cách mà ngành y tế thực hiện trong thời gian qua. Dù vậy, trong quá trình triển khai, ngành cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thắng, điểm khó hiện nay là lực lượng cán bộ, quản lý VSATTP của tuyến huyện, xã còn quá mỏng. Một số xã hoạt động trong lĩnh vực này chưa toàn diện nên phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.
Những người mắc các chứng bệnh, bệnh truyền nhiễm cấp tính không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố gồm: lao tiến triển; các bệnh tiêu chảy cấp tính: tả, lỵ, thương hàn; các chứng són đái, són phân, tiêu chảy; viêm gan virus (A,E) cấp tính; viêm đường hô hấp cấp tính; các tổn thương ngoài da nhiễm trùng.
Bên cạnh các cơ sở kinh doanh tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thì dịch vụ thức ăn đường phố là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Đa số các điểm bán này là nhỏ lẻ nên không đủ điều kiện thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Vì vậy, việc xử lý vi phạm VSATTP đối với thức ăn đường phố gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bảo đảm VSATTP nói chung và đặc biệt đối với kinh doanh thức ăn đường phố là trách nhiệm của người kinh doanh, vì sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Theo kế hoạch mà UBND tỉnh vừa thông qua, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình điểm về VSATTP với thức ăn đường phố. 128 hộ kinh doanh thức ăn đường phố ở 3 xã Quới Thành (Châu Thành), Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) và An Ngãi Trung (Ba Tri) sẽ tham gia mô hình này. Theo phân cấp quản lý, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố do UBND cấp xã quản lý hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Trung tâm y tế và các trạm y tế có trách nhiệm phối hợp tổ chức, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo quy định. Trên cơ sở này, các hộ kinh doanh ở các xã điểm sẽ được tổ chức tập huấn và khám sức khỏe, ký cam kết, được cấp giấy xác nhận kiến thức VSATTP và giấy xác nhận sức khỏe. Ngành chức năng sẽ kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện hàng tháng, để kịp thời hướng dẫn sửa chữa. Với cách làm bài bản này, mục tiêu mà tỉnh hướng đến là nhân rộng mô hình ra các xã còn lại trong tỉnh.
Mặc dù không nhiều nhưng hầu như năm nào tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng có xảy ra. Sự vào cuộc của ngành chức năng được xem là giải pháp để kiểm soát điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Song, vấn đề quan trọng và quyết định chính là ý thức trách nhiệm, vì sức khỏe tiêu dùng của người trong cuộc, để hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Nguồn: Báo Đồng Khởi