Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Nguyễn Hữu Phước (giữa) trao đổi với người dân xã An Bình Tây.
Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Nguyễn Hữu Phước trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện Ba Tri và xã An Bình Tây và cũng là nhận định của ông Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội tại hội thảo “Báo chí nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo trên báo chí” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức tại tỉnh trong tháng 5-2017.
Tham luận tại hội thảo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra số liệu: Đầu năm 2016, toàn tỉnh có gần 45 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 12%, cận nghèo hơn 16 ngàn hộ, chiếm tỷ lệ hơn 4%. Hơn 94% hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung ở khu vực nông thôn. Sau hơn một năm thực hiện Đề án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 bằng phương pháp công tác xã hội với người nghèo (tiếp cận trực tiếp, đối thoại với người nghèo), kết quả bình nghị cuối năm 2016, toàn tỉnh còn hơn 37 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Trong số hơn 8 ngàn hộ thoát nghèo trong năm thì có gần 1 ngàn hộ tham gia Đề án phát triển sinh kế, thoát nghèo có việc làm và có thu nhập ổn định. Đây là kết quả đáng khích lệ mà đề án thực hiện bước đầu có hiệu quả, bằng phương pháp công tác xã hội, tiếp cận đa chiều với người nghèo dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và mặt trận, đoàn thể. Đề án đã tác động tích cực làm thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần, nghị lực và ý chí “khởi nghiệp” thoát nghèo bền vững của người nghèo.
Từ kết quả đạt được, mục tiêu đề án đặt ra đến cuối năm 2020, phải có hơn 15 ngàn hộ có điều kiện cải thiện sinh kế thoát nghèo bền vững, không tái nghèo (chiếm hơn 35% so với tổng số hộ nghèo năm 2016). Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã đề ra 5 nội dung và 3 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giúp người nghèo chuyển đổi nhận thức, chủ động phát huy nội lực để thoát nghèo bền vững được nhấn mạnh và cũng là hoạt động thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”.
Phát biểu tại lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về thực hiện công tác giảm nghèo và đa dạng sinh kế dành cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, cán bộ giảm nghèo có vai trò rất quan trọng, không những cùng suy nghĩ, xây dựng mô hình giúp người nghèo mà còn phải không ngừng đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm giúp cho họ thấm nhuần, nâng cao ý chí và nghị lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Trong chuyến khảo sát thực tế các mô hình sinh kế tại xã An Bình Tây và làm việc với Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện Ba Tri, từ những khó khăn xuất phát từ thực tế của địa phương và cơ sở, ông Nguyễn Hữu Phước cho rằng, ngoài việc định hướng sinh kế và xây dựng các mô hình thoát nghèo bền vững, địa phương cần nâng cao kiến thức, trình độ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cho hộ nghèo. Ngoài sự vào cuộc và công tác phối hợp chặt chẽ của mặt trận và đoàn thể trong hỗ trợ, theo dõi thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức, khơi dậy ý chí và nghị lực vươn lên của người nghèo. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề và vận động con em hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Tranh thủ mọi nguồn lực từ cộng đồng cùng chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo.
Nguồn: Báo Đồng Khởi