* Hiện nay, chính quyền xã An Bình Tây (Ba Tri) gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết một số tình huống tranh chấp dân sự, do mời nhưng đương sự không đến nên không thể tiến hành hòa giải cũng không thể chuyển tòa án, dẫn đến đơn thư tồn đọng. Đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn biện pháp giải quyết những trường hợp trên.
- UBND tỉnh trả lời: Theo qui định của Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 4 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nguyên tắc hòa giải ở cơ sở phải đảm bảo “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải”. Do vậy, đối với các tranh chấp dân sự nếu các bên không tự nguyện tham gia hòa giải, thì chính quyền địa phương có thể chuyển tòa án có thẩm quyền giải quyết theo đúng qui định. Riêng đối với tranh chấp đất đai, Điều 136 Luật Đất đai qui định rõ về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Như vậy, việc hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã là một thủ tục có tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thực hiện các qui định này còn nhiều bất cập. Các đương sự cố tình trốn tránh việc tham gia hòa giải, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ việc tranh chấp. Nếu chưa qua hòa giải được ở địa phương thì tòa án không thụ lý đơn khiếu kiện. Hiện nay, cũng chưa có qui định xử lý đối với trường hợp này. Đây là bất cập làm hạn chế quyền khởi kiện của các đương sự.
Để tạm thời giải quyết bất cập nêu trên, trong khi chờ văn bản của Trung ương điều chỉnh nội dung này, đồng thời nhằm hạn chế đơn thư tồn đọng, kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, chính quyền địa phương và Tòa án nhân dân huyện cần có cơ chế phối hợp để thực hiện tốt các nội dung này. Trong trường hợp mời đương sự không đến thì có thể áp dụng tương tự các qui định về hòa giải và chuẩn bị xét xử tại Chương XIII của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011): Trong trường hợp được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì xem như không tiến hành hòa giải được. Khi đó, hội đồng hòa giải sẽ lập biên bản, chuyển đến tòa án để thực hiện thủ tục tiếp theo theo đúng qui định của pháp luật.
* Cử tri phường Phú Khương (TP. Bến Tre) đề nghị tỉnh khi tuyển dụng công chức không nên tuyển người có bằng tốt nghiệp đại học hệ tại chức, vì hình thức đào tạo này hiện nay rất phổ biến, nhưng chất lượng đào tạo thấp hơn so với hệ chính qui.
- Theo qui định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 05/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010 của Bộ Nội vụ qui định chi tiết một số điều về tuyển dụng, nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010 của Chính phủ “Khi qui định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính qui, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập”. Do đó, UBND tỉnh xin ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ thực hiện khi Trung ương có qui định mới.
Nguồn: Báo Đồng Khởi